Tản mạn: Sự tồn tại
Chúng ta đều khởi đầu dưới hình hài một đứa trẻ nhỏ bé khi đến với thế giới này. Lúc còn đang ở trong bụng mẹ, trẻ em đã tồn tại riêng những cảm nhận về thế giới thông qua xúc cảm của người mẹ. Khi mới sinh, cơ thể ta còn đang đỏ hỏn, mềm yếu, sự sống của ta phụ thuộc hoàn toàn vào sự che chở của mẹ cha. Khi ấy, bản năng khiến ta òa khóc để thông suốt khí quản, cơ thể dần có những cảm nhận đầu tiên về thế giới này. Khi những cảm nhận đầu tiên về thế giới của tự bản thân ta hình thành, cũng đồng nghĩa với dấu mốc của sự tồn tại.
Có thể nói, sự tồn tại của ta gắn liền với thế giới này. Ngược lại, với mỗi người trong chúng ta, thế giới cũng tồn tại riêng biệt theo cách chúng ta cảm nhận về nó. Ta như một diễn viên, cuộc đời ta như một bộ phim, còn cảm nhận của ta như chiếc ti vi chiếu bộ phim ấy vậy. Khi ti vi còn bật, thì thế giới còn tồn tại, khi ti vi tắt đi, thì vai diễn lẫn bộ phim đều không còn nữa.
Ta cảm nhận thế giới thông qua các giác quan, khi các giác quan không làm việc, hoặc vì một vấn đề nào đó mà cảm nhận bị thay đổi, thì thế giới theo cảm nhận của ta cũng thay đổi theo. Sự tồn tại của ta với thế giới có thể độc lập tách biệt, nhưng nhận thức về thế giới lại phụ thuộc vào ta. Ta và thế giới chi phối lẫn nhau, mỗi bên đều có nguyên lý vận hành và sự tự do của riêng mình. Nhìn từ trong ra, thế giới được vẽ nên từ những cảm nhận của cá nhân. Nhìn từ ngoài vào, cá nhân tồn tại cũng nhờ có thế giới này.
Khi còn nhỏ, ta nhìn thế giới dưới con mắt tò mò, cảm nhận mọi thứ một cách thuần khiết. Một con chim, một cái cây, một dòng sông,… ta có cảm nhận mãnh liệt về mọi thứ, ta ghi nhận mọi thứ như chính bản thân chúng. Trưởng thành hơn, cách ta cảm nhận về thế giới bị những lo âu, kỳ vọng, thiên kiến chi phối. Ta nhận thức thế giới bởi tiêu chuẩn của thế giới con người, bởi góc nhìn được mất. Ta đánh mất cả sự tồn tại của thế giới tự nhiên, mất luôn cả cách ta cảm nhận thế giới ấy. Trong tư duy của người trưởng thành, thế giới xây dựng dựa trên thiên kiến, lợi hoặc hại. Ta nhìn một ngọn núi thấy khoáng thạch, nhìn dòng sống thấy thủy sản, nhìn rừng cây thấy gỗ quý,… Nỗi sợ về một tương lai mờ mịt hù dọa chúng ta, bắt chúng ta tập trung vào khía cạnh lợi ích trong mọi thứ, khiến ta quên mất rằng, ta tồn tại duy nhất trong thực tại, quá khứ và tương lai chỉ nằm trong thế giới hư ảo của trí tưởng tượng. Chỉ khi sống trong thực tại, ta và thế giới mới hòa hợp làm một. Khi ấy, từng giây phút trôi qua mới là của chính ta, sự tồn tại của ta tự nhiên như thể chính thế giới quanh ta vậy.