Huyền Học Ứng Dụng

Sự giáo hóa

SỰ GIÁO HÓA (theo quan điểm của Hứa Hành)

Con người sinh ra do bẩm khí khác nhau mà có khác biệt về trí, ngu, hiền, tồi, có phân biệt phẩm cấp thượng, trung, hạ. Nhưng bẩm khí quyết định trí ngu, hiền, tồi của con người có thể thay đổi được. Khí trong, đục, đẹp, xấu có thể chuyển hóa, điều kiện cần có thể chuyển hóa từ ngu biến thành trí là phải biết “phù hộ Nguyên Khí”, biết hàm dưỡng “Khí Hạo Nhiên” trong nội tâm.

“Nguyên Khí” và “Khí Hạo Nhiên” là khí trong nhất, đẹp nhất của trời đất, đúng với “lý của muôn vật trong trời đất.” Nếu biết phù hộ và hàm dưỡng “Nguyên Khí” và “Khí Hạo Nhiên” thì ngu có thể chuyển hóa thành trí, tồi chuyển hóa thành hiền, ám muội chuyển hóa thành minh đức. Bẩm khí của con người không đồng đều, “người thượng phẩm không dạy mà thiện, người trung phẩm, có dạy thì thiện, người hạ phẩm có dạy cũng không thiện.”

Nhưng, người thượng phẩm và người hạ phẩm thuộc số rất ít, người trung phẩm lại chiếm đa số. Việc giáo hóa có thể không ngừng mở rộng “Nguyên Khí”, “Khí Hạo Nhiên”, làm cho khí nội tâm thuận với khí trời đất, do đó con người có thể chuyển hóa từ ngu lên trí, từ tồi biến thành hiền, từ ám muội biến thành minh đức. Việc xây dựng trường học, thực hiện giáo hóa nhằm mục đích nâng phẩm cấp con người từ thấp lên cao.

Khí bẩm quyết định phẩm chất, tính cách, đạo đức con người; phẩm chất, tính cách, đạo đức con người có thể chuyển hóa được, đó là kết luận logic được đúc rút ra từ lý luận khí ngũ hành trong đục, đẹp xấu có thể chuyển hóa lẫn nhau…

Nhân tâm phó thiên tâm

“Nhân tâm phó thiên tâm”

Tư tưởng nhân tâm phù hợp với thiên tâm của Đổng Trọng Thư (179 – 104 TCN).

Cha mẹ có thể sinh ra con, nhưng lại không phải sáng tạo ra con người, mà sáng tạo ra con người chính la trời. “Tời là tằng tổ phụ của người vậy”. (“Vi nhân giả thiên”). Người sở dĩ được gọi là con người bởi cái gốc là ở trời, kết cấu cơ thể, hoạt động sinh lí và tư tưởng, tình cảm của con người đều nằm trên trời. “Hình thể con người, là do thiên số hóa thành; khí huyết con người là do thiên chí hóa ra thành nhân ái, đức hạnh con người là do thiên lí hóa ra thành nghĩa, ưa ghét của con người là do trời hóa ra thành hàn thử (lạnh nóng); thụ mệnh của con người là do trời hóa ra thành bốn mùa; người ta sinh ra ở đời mừng giận, vui buồn thì trời cũng có xuân hạ thu đông tương tự đáp lại”.

Người sinh ra là do ở trời, hình thể, khí huyết, đạo đức, yêu ghét, mừng giận, vui buồn đều do trời hóa ra, cái nhân tâm là chủ thể tư duy, tư tưởng tình cảm và đạo đức, ý thức của con người cũng phù hợp với thiên tâm. Nhân tâm vì thiên tâm mà sinh ra, và biến đổi theo thiên tâm. Khí mừng của con người được hóa sinh ra mùa xuân, khí vui được hóa sinh ra mùa hạ, khí giận được hóa sinh ra mùa thu, còn khí buồn thì được hóa sinh ra mùa đông, đấy là cái tâm có bốn khí.

Người có tâm mừng giận vui buồn, “Trời cũng có khí mừng giận, có tâm buồn vui, phù hợp với con người”. Tâm luân lí đạo đức của con người phù hợp với thiên tâm. “Tâm có suy nghĩ tính toán, phù hợp với những dự kiến vậy; đức hạnh có luận lí, phù hợp với trời đất vậy”. Luân lí, đạo đức con người, quan trọng nhất là nhân nghĩa, nhân nghĩa cũng từ thiên tâm mà ra. “Người tốt đẹp có nhân nghĩa cũng là ở nơi trời. Trời chính là nhân nghĩa vậy.

… Nắm rõ ý trời thì là nhân nghĩa vô cùng, vô cực. Người nhận lệnh ở trời vậy, lấy nhân nghĩa ở trời mà có nhân nghĩa vậy. Chính vì vậy con người nhận lệnh tôn trọng trời có tình cảm yêu mến cha anh con em, có lòng trung tín nhân từ phúc hậu, có hành vi liêm sỉ, có nghiên cứu kĩ về đúng sai, thuận nghịch, văn lí (lí luận văn chương) ngời sáng đúng đắn mà hồn hậu, có tầm hiểu biết rộng lớn và uyên thâm, chỉ riêng về nhân đạo thôi đã có thể sánh với Trời cao.”

Hiếu thảo

Quan điểm về bổn phận với cha mẹ

Trong quá trình luận giải Tử Vi Đẩu Số, thi thoảng tôi nhận được câu hỏi của một vài bạn về việc sau này có nhận được thừa kế tài sản từ cha mẹ hay không.

Khi nghe câu hỏi dạng này, tôi thường thoáng có cảm giác man mác buồn. Một cảm giác khó tả khi thấy điều mà một đứa trẻ quan tâm nhất về cha mẹ chúng lại là lợi ích để lại mà không phải sức khỏe hay thọ mệnh.

Dưới góc độ huyền học, việc này có thể dự báo được dựa trên quỹ tích biến động tài sản của đương số. Nhưng thường, ngoài việc dự báo tôi luôn nhắc nhở một câu:”Có khả năng nhận thừa kế, nhưng cũng có trách nhiệm lớn với cha mẹ.”

Sinh mệnh cha mẹ cho ta là thứ đáng quý nhất, tiếp đó là thân thể và sự giáo dưỡng. Đó là sự cho đi hoàn toàn không cầu mong về sự hồi báo. Khi chào đời, tức là chúng ta đã được thụ nhận những thứ quý giá nhất của cha mẹ rồi, và cũng chỉ cha mẹ mới có thể cho ta những thứ quý giá này. Qua quá trình trưởng thành, sự nuôi dưỡng, giáo dục giúp chúng ta trở thành một con người, chứ không phải một con thú đầy rẫy các bản năng. Song hành với những điều mà ta mặc nhiên được thụ nhận, đó là trách nhiệm và bổn phận.

Trong Tử Vi cung Tật Ách, xung đối cung Phụ Mẫu. Cha mẹ cho ta thân thể và sự giáo dưỡng, ngoài ra còn là sự kiềm tỏa bệnh tật và sự khốn khó thể hiện ở cung Tật. Với khoa Tử Vi, sự cát lành ở cung Phụ Mẫu là tiền đề đề kiểm tỏa những cái khốn khó, bệnh tật của con người ở cung Tật Ách. Vậy một khi cung phụ mẫu bị hung hóa, thì hiển nhiên, những sự khốn khó trong số mệnh sẽ nhanh chóng bủa vây.

Tử Vi đề cao sự tồn tại của cha mẹ vượt qua công ơn sinh thành, nuôi dưỡng, còn thể hiện ý nghĩa về sự bảo trợ, dưỡng mệnh của cha mẹ với xuyên suốt cuộc đời con cái. Sự cho đi của cha mẹ là vô điều kiện, có mấy ai mong cầu con cái hồi báo? Vậy mà, nếu con cái chỉ chăm chăm vào việc cha mẹ có để lại thừa kế hay không, chỉ quan tâm tới tiền tài vật chất thụ hưởng miễn phí không tốn chút sức, thì thật là thiển cận, vô tâm. Người như vậy thì khó mà được hưởng hạnh phúc viên mãn lắm!

Bàn về tài lộc

Bàn về Tài Lộc trong quan niệm xưa.

Thời đại kinh tế thị trường ngày nay, xã hội phương Đông chịu ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa tiêu dùng của Tây phương, vì vậy mà đám đông thường có tư tưởng lấy việc kiếm tiền làm thước đo về sự thành công và hạnh phúc. Cũng vì vậy mà vấn đề tài lực trong cuộc đời được nhiều người chú ý hàng đầu khi xem Tử Vi.

Trong các một thuật số, Tài không chỉ là tiền, mà chỉ tất cả những thứ giá trị mà ta kiểm soát và đong đếm được. Điều này cho thấy một góc nhìn rộng và sáng suốt của cổ nhân, một định lệ mang tính phổ quát và luôn đúng trong mọi thời kỳ. Tiền chỉ là một trong những dạng biểu hiện của Tài. Tài lực luôn song hành với Lộc, vậy Lộc là gì?

Lộc tức tước lộc, được thời thế mà hưởng dụng, gọi là Lộc. Định nghĩa này thể hiện rất rõ ràng định lệ của cổ nhân về Lộc, đó là sự đắc thời và hưởng dụng. Phải có sự đắc thời thì mọi việc mới suôn sẻ, và phải dụng thì mới có hưởng. Tức Lộc, chính là thời kỳ luận lợi cho mọi việc ta làm. Vì vậy nên dù trong Đẩu Số đoán mệnh hay trong kinh nghiệm cuộc sống, con người nếu không chăm chỉ lao động, gặp thời cũng không phát, tài lộc cũng chẳng tới. Sách Thượng Thư có câu:

“Thiên Đạo thù cần” (thù – 讎 mang nghĩa đền trả)

Thế nào là Cần? Quý tiếc thời gian, chịu khổ chịu khó, cẩn thận nghiêm túc là Cần. Người cần cù đại đa số là người có tư tưởng chịu khó, chịu khổ, cố gắng nỗ lực. Con người cần không ngừng lao động, gặp thời mới dụng được lộc, chỉ khi đó mới phát tài vậy. Người dù cơ duyên trong mệnh số có đẹp, trong cuộc sống gặp nhiều cơ hội thuận lợi, nhưng không chịu cố gắng tu dưỡng, bỏ công, gắng sức, thì những cơ duyên đó cũng như nước chảy mây trôi mà thôi.

Một góc nhìn về thiện ác

Thiện ác của con người

Trong xã hội của chúng ta, thiện ác là hai phạm trù đối lập nhau, được sử dụng như cán cân để đánh giá mức độ có lợi/có hại cho sự sống của con người.

Cái thiện đại diện cho tính tốt đẹp, làm lợi cho sự sống của con người. Cái thiện có đặc tính hướng con người tới những hành vi tương trợ lẫn nhau, làm tốt cho nhau, vì chỉ có làm việc tốt cho cả bản thân và người khác thì mới có thể đảm bảo sự toàn vẹn của tính thiện.

Ngược lại, cái ác là trạng thái đối lập với cái thiện. Đặc tính của nó làm hại tới sự sống của con người, cái ác tàn phá sự tốt đẹp của hiện tại và hủy hoại sự phát triển trong tương lai của con người. Cái ác hướng con người tới những hành vi gây hấn và xung đột, từ đó làm lu mờ tính thiện và khiến con người gây tổn thương lẫn nhau. Vì vậy, có thể thấy rằng tác hại đầu tiên của tính ác là làm lu mờ đi tính thiện.

Trong cuộc sống đời thường muôn màu muôn vẻ, mỗi hành vi của chúng ta đều bao hàm cả tính thiện và tính ác. Như hoạt động hằng ngày chẳng hạn, việc chúng ta sử dụng phương tiện xe cộ để làm lợi cho di chuyển, từ đó nâng cao năng suất và giúp cuộc sống phát triện, đó là tính thiện; song song với đó, khí thải gây ô nhiễm môi trường, tại nạn xe cộ gây thương tổn cho con người là những nguy cơ mới mà cách đây vài trăm năm con người có lẽ không phải lo lắng. Cuộc sống con người càng phát triển, tính lợi cho sự sống càng lớn thì tính ác cũng càng lớn. Thiện ác ở quanh ta, nó vượt qua những khuôn khổ về phạm vi luân lý, đạo đức, nó có mặt trong mỗi hành vi lớn nhỏ của con người. Con người trong guồng quay của những ham muốn và bổn phận, dần dà mất đi khả năng minh định thiện ác, mà chỉ còn có khả năng cảm nhận biểu hiện của chúng, mà cảm nhận thì khó mà không mang màu sắc cá nhân được.

Cách con người nhận diện về thiện ác

Về bản chất, con người nhận diện cái thiện thông qua những cảm nhận về sự an toàn, hợp tác, giúp đỡ, tích cực, phát triển, minh bạch,… Mặt khác, con người nhận diện cái ác thông qua những cảm nhận về sự nguy hiểm, tư lợi, tiêu cực, giận dữ, phân tách, tổn thương, u tối,… Vì thiện ác được nhận thức thông qua cảm nhận có tính chủ quan, do đó chúng ta cần thống nhất rằng, cùng đối mặt với một sự kiện, thì mức độ cảm nhận về tính thiện ác của mỗi người là khác nhau. Sự khác biệt ấy phụ thuộc vào bẩm tính mỗi người. Người giàu lòng vị tha thì nhạy cảm hơn với tính thiện, trong khi người nhiều tính vị kỷ lại coi nhẹ hơn hành vi mang tính ác.

Ngoài ra, nhận thức về thiện ác còn chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa xã hội, tôn giáo, đức tin,… Như người xưa đòn roi con cái để dạy dỗ vào nề nếp, đó là muốn tốt cho con cái, chủ về tính thiện; nhưng ở thời nay, việc đòn roi con cái được khép vào tội bạo hành, cho rằng thuộc về tính ác. Vì vậy nên cảm nhận về thiện ác còn tùy vào nhận thức khác nhau về sự việc trong từng thời kỳ, từng hoàn cảnh.

Từ đó, có thể thấy rằng cách con người nhận thức về thiện ác vốn không cố định. Chúng ta cảm thấy chúng qua những biểu hiện, nhưng cách chúng ta cảm nhận cũng thiếu đi tính thống nhất và dễ bị ảnh hưởng thông qua môi trường sống. Đây là kẽ hở khiến cho thiện ác trong cuộc đời trở lên lẫn lộn, khó mà phân biệt được.

Thời đại mới, phần đông con người có thể dễ dàng đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của việc duy trì sự sống. Chất lượng cuộc sống gia tăng nhờ khoa học kỹ thuật, dẫn tới loài người gia tăng tuổi thọ trung bình nhanh chóng, tỉ lệ sinh tăng cao. Việc này dễ dẫn tới nhận thức chung rằng, thế giới của chúng ta ngày càng tươi đẹp hơn.

Theo đó, trong đời sống hằng ngày, ta ít khi phải đối mặt với những biểu hiện đặc thù của cái ác như thời xưa. Nhưng, ta cũng ít thấy được những biểu hiện đặc thù của cái thiện như thời xưa. Ở thời nay, cái ác len lỏi vào cuộc sống của chúng ta thông qua những hình tượng đẹp đẽ, thân thiện, dần dần tác động tinh vi hủy hoại cuộc sống, sức khỏe, gia đạo mà ta chẳng hề hay biết. Bệnh tật thời nay ít đi tính chất đột ngột cướp đi sinh mệnh con người, mà nó trở lên chầm chậm xâm nhập vào cơ thể chúng ta. Sức sống của chúng ta thời nay thiếu tính khí thế, mãnh liệt, lý tưởng, bất khuất như thời xưa, biểu hiện ở ngay tại Việt Nam, mỗi năm có 40.000 người tự tử do trầm cảm, thống kê sơ bộ có tới 30% dân số mắc vấn đề về tâm lý, 25% mắc trầm cảm. Tỉ lệ ly hôn chiếm tới 31 – 40%, một con số đáng suy ngẫm! Thời nay, tính thiện ngủ quên trên thành tựu tạm thời ở mặt trận hữu hình, tập trung quá nhiều cho việc thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của sự sống. Trong khi đó tính ác đã vượt trên những biểu hiện mâu thuẫn xung đột trực diện dễ nhân biết. Nó trở nên tinh vi, len lỏi trong mỗi thứ mà ta tưởng chừng như tốt đẹp, hủy hoại con người từ bên trong, cướp đi lý tưởng sống và đẩy con người vào sự u uất trầm mê, sống những cuộc sống trống rỗng, giam cầm sự chú ý của ta trong những đòi hỏi ngắn hạn, thu mình lại trong lối sống vị kỷ, lợi ích hóa các mối quan hệ,… Đó là tính ác thời nay, tính ác xâm chiếm thế giới tinh thần.

Thiện ác tự nhiên.

Trong thế giới của con người, tính thiện – ác được phân biệt bằng nhận thức về mức độ ảnh hưởng lợi/hại tới sự sống của của chúng ta. Hệ thống nhận thức này có tính phổ quát, cảm tính, phù hợp cho các cộng đồng người có cấu trúc xã hội không quá phức tạp. Trong các mô hình xã hội đơn giản, đồng nhất văn hóa, các hành vi dễ dàng được cộng đồng thống nhất gắn mác tốt – xấu, thiện – ác. Khi cấu trúc xã hội ngày càng phát triển và trở lên phức tạp như hiện nay, hệ thống nhận thức về thiện – ác trở nên rối bời, chỉ còn có thể phân biệt những hành vi nổi trội như cướp bóc, lừa đảo, bắt cóc,… là ác.

Thiện – Ác trong thế giới con người có tính chủ quan, thiếu sự đồng bộ. Do đó, nó cần được hệ thống hóa và thống nhất, ít ra ở phạm vi một cộng đồng. Việc này giúp đem lại sự nhận diện chung về cái ác, từ đó có cơ chế kiềm tỏa sự ảnh hưởng của nó. Vì lý do này, các bộ luật, pháp chế, hương ước ra đời. Tất nhiên, những hệ thống này cũng có tính chủ quan của riêng nó và chỉ phù hợp với số đông trong một cộng đồng mà nó quản lý mà thôi. Nói chung, với nhận thức của con người, thiện ác có tính linh hoạt với mỗi cá nhân và không mang đầy đủ tính chất của chân lý.

Người xưa nhận ra điều này, với hy vọng muốn nắm bắt được tính thiện, ác biến hóa muôn hình muôn vẻ trong xã hội, chỉ còn cách gắn nó với quy luật của tự nhiên. Qua thời gian dài quan sát thế giới tự nhiên, họ nhận ra quy luật. Khi lấy sự sống làm bản thể để phân tích, người xưa thấy rằng mọi sự vật, hiện tượng tác động đến bản thể đó đều có thể đặt vào một trong 2 phạm trù đối lập nhau: Sinh – khắc. Sinh mang tính bổ trợ, làm lợi cho sự sống, trong khi đó khắc mang tính kiềm tỏa, gây hại cho sự sống.

Hai phạm trù sinh khắc đặt trong tương quan giữa bản thể sự sống và các yếu tố bên ngoài bản thể, hình thành nên thuyết ngũ hành. Thuyết ngũ hành bao trọn sự biến hóa của toàn bộ tự nhiên, con người cũng nằm trong số đó. Khi thu hẹp phạm vi của sự sống trong tự nhiên vào trong phạm vi sự sống của con người, người xưa có thể gán tính chất “sinh” cho sự sống là thiện, “khắc” sự sống là ác. Vì vậy, bằng thuyết ngũ hành, cổ nhân đã có thể nắm bắt được sự biến hóa của thiện ác. Thông qua sự biến động của tự nhiên mà biết được sự thay đổi tính thiện/ác đối với sự sống của con người vậy.

Có thể thấy rằng, thiện ác vốn là một cặp âm dương trong tự nhiên, vì vậy nên chỉ có thể đánh giá một hành vi là thiện hay ác khi đem so sánh với tác động của hành vi đó tới chủ thể thụ nhận. Sự biến đối về sự sống của chủ thể sẽ quyết định tính chất thiện, ác của hành vi. Việc chúng ta có xu hướng bàn luận khô khan về thiện ác, tách biệt những hành vi khỏi ảnh hưởng của nó tới chủ thể thụ nhận cụ thể là điều sai lầm. Trong tự nhiên vốn có thiện ác. Cái thiện của tự nhiên là mùa xuân ấm áp, giúp vạn vật sinh sôi nảy nở, cái ác của tự nhiên là mùa thu khô buốt khiến vạn vật thâu tàng, giết vật cần giết, duy trì sự cân bằng thường hằng. Nhìn lại trong xã hội con người cũng nên vậy. Cái ác như việc trừng phạt cầm tù người khác cần được dùng trong hình luật, giúp cân bằng sự ổn định lâu dài của sự tồn tại con người. Điều quan trọng của việc đánh giá thiện, ác là bản chất hành vi được dùng đúng chỗ. Việc của con người là sử dụng trí tuệ đặt việc ác vào chỗ cần ác, duy trì sự thiện ở chỗ cần thiện, tạo sự cần bằng động vĩnh cửu. Không phải thế giới cần hướng tới toàn thiện mà bài trừ toàn bộ cái ác. Đó là cô âm thì bất sinh, cô dương thì bất trưởng vậy.

Sự tồn tại

Tản mạn: Sự tồn tại

Chúng ta đều khởi đầu dưới hình hài một đứa trẻ nhỏ bé khi đến với thế giới này. Lúc còn đang ở trong bụng mẹ, trẻ em đã tồn tại riêng những cảm nhận về thế giới thông qua xúc cảm của người mẹ. Khi mới sinh, cơ thể ta còn đang đỏ hỏn, mềm yếu, sự sống của ta phụ thuộc hoàn toàn vào sự che chở của mẹ cha. Khi ấy, bản năng khiến ta òa khóc để thông suốt khí quản, cơ thể dần có những cảm nhận đầu tiên về thế giới này. Khi những cảm nhận đầu tiên về thế giới của tự bản thân ta hình thành, cũng đồng nghĩa với dấu mốc của sự tồn tại.

Có thể nói, sự tồn tại của ta gắn liền với thế giới này. Ngược lại, với mỗi người trong chúng ta, thế giới cũng tồn tại riêng biệt theo cách chúng ta cảm nhận về nó. Ta như một diễn viên, cuộc đời ta như một bộ phim, còn cảm nhận của ta như chiếc ti vi chiếu bộ phim ấy vậy. Khi ti vi còn bật, thì thế giới còn tồn tại, khi ti vi tắt đi, thì vai diễn lẫn bộ phim đều không còn nữa.

Ta cảm nhận thế giới thông qua các giác quan, khi các giác quan không làm việc, hoặc vì một vấn đề nào đó mà cảm nhận bị thay đổi, thì thế giới theo cảm nhận của ta cũng thay đổi theo. Sự tồn tại của ta với thế giới có thể độc lập tách biệt, nhưng nhận thức về thế giới lại phụ thuộc vào ta. Ta và thế giới chi phối lẫn nhau, mỗi bên đều có nguyên lý vận hành và sự tự do của riêng mình. Nhìn từ trong ra, thế giới được vẽ nên từ những cảm nhận của cá nhân. Nhìn từ ngoài vào, cá nhân tồn tại cũng nhờ có thế giới này.

Khi còn nhỏ, ta nhìn thế giới dưới con mắt tò mò, cảm nhận mọi thứ một cách thuần khiết. Một con chim, một cái cây, một dòng sông,… ta có cảm nhận mãnh liệt về mọi thứ, ta ghi nhận mọi thứ như chính bản thân chúng. Trưởng thành hơn, cách ta cảm nhận về thế giới bị những lo âu, kỳ vọng, thiên kiến chi phối. Ta nhận thức thế giới bởi tiêu chuẩn của thế giới con người, bởi góc nhìn được mất. Ta đánh mất cả sự tồn tại của thế giới tự nhiên, mất luôn cả cách ta cảm nhận thế giới ấy. Trong tư duy của người trưởng thành, thế giới xây dựng dựa trên thiên kiến, lợi hoặc hại. Ta nhìn một ngọn núi thấy khoáng thạch, nhìn dòng sống thấy thủy sản, nhìn rừng cây thấy gỗ quý,… Nỗi sợ về một tương lai mờ mịt hù dọa chúng ta, bắt chúng ta tập trung vào khía cạnh lợi ích trong mọi thứ, khiến ta quên mất rằng, ta tồn tại duy nhất trong thực tại, quá khứ và tương lai chỉ nằm trong thế giới hư ảo của trí tưởng tượng. Chỉ khi sống trong thực tại, ta và thế giới mới hòa hợp làm một. Khi ấy, từng giây phút trôi qua mới là của chính ta, sự tồn tại của ta tự nhiên như thể chính thế giới quanh ta vậy.

Âm nhạc và mệnh tạo

Mạn đàm: Âm nhạc ảnh hưởng tới mệnh tạo của chúng ta như thế nào?

Cuộc sống con người hằng ngày phải tiếp cận với vô vàn kích thích đến từ môi trường bên ngoài. Các kích thích mang tới cho chúng ta thông tin, từ đó giúp ta có nhận thức về thế giới xung quanh, nhưng mặt khác, chúng cũng đồng thời tạo ra những ảnh hưởng tới trạng thái ham muốn, tinh thần, cảm xúc, sức khỏe, .v.v. của ta. Sự tác động này chi phối đến mỗi quyết định phản ứng của ta với thế giới, và sâu xa hơn, chúng chi phối số mệnh của ta.

Thông tin được chúng ta tiếp nhận từ thế giới thông qua năm giác quan chính: Thị giác, thính giác, xúc giác, khứu giác và vị giác. Trong đó, thính giác đóng vai trò tiếp nhận thông tin dưới dạng âm thanh qua các dao động từ môi trường xung quanh. Sự biến thiên của âm thanh dựa trên trường độ, cao độ, cường độ và âm sắc. Thông qua đó, chúng ta cảm nhận được thông tin và tình chí, chính hai điều này đã tác động và chi phối nhận thức của ta.

Thông tin trong âm thanh được chúng ta tiếp nhận dựa trên hệ thống phản xạ, thông qua ý thức. Cơ chế này chủ yếu phản ứng với cường độ và nội dung của âm thanh, giúp ta hiểu được ngôn ngữ, biết được nguồn gốc của những âm thanh quen thuộc, hay giật mình với những âm thanh cường độ lớn bất thường tiềm ẩn nguy hiểm, .v.v. Những tác động này mang tính ngắn hạn, ảnh hưởng tới những phản ứng tức thời của chúng ta. Chúng mang tính ngắn hạn, do đó nếu không đi kèm với những dạng thông tin khác, ta sẽ rất nhanh chóng quên đi chúng. Đó là nguyên do tại sao chúng ta lại hay quên lời bài hát, thậm chí là những bài ta từng rất yêu thích, bởi vì lời ca chỉ tác động vào vùng ý thức mà thôi.

Lời ca, cường độ âm chi phối ý thức, phản xạ của ta. Nó có thể khiến ta ngay lập tức có những nhận thức về niềm vui, nối buồn, sự đau khổ hay nỗi lo âu thông qua bản chất mà ca từ muốn phản ánh. Tuy vậy, với những âm thanh cường độ trung bình không quá đặc biệt, nếu ta không chủ động ý thức, thông thường chúng không có nhiều ảnh hưởng tới ta và rất dễ bị ta lãng quên. Biểu hiện thường thấy khi ta nghe những câu chuyện nhàm chán, giọng kể đều đều, ta có thể ngay lập tức quên đi thông tin mà người đối thoại vừa truyền tải trong giây lát. Vì vậy, một lời ca chỉ có ca từ hay thôi thì chưa đủ để tác động tới tinh thần một người.

Điều làm cho một âm thanh trở lên sống động, có thể khơi dậy cảm xúc bên trong một người, đó là giai điệu. Giai điệu là sự kết hợp nhịp nhàng của trường độ, cao độ và âm sắc. Giai điệu truyền tải tình chí, tác động trực tiếp xuyên qua lớp phòng thủ ý thức, ảnh hưởng ngay lập tức tới tinh thần của người nghe. Không cần người nghe chủ động, giai điệu vẫn có thể ghi sâu vào ký ức của họ. Như việc ta lướt qua một bản nhạc hay, thậm chí không có lời, giai điệu của nó vẫn có thể ghi sâu vào tâm trí ta hàng năm tháng vậy. Cố lõi sức ảnh hưởng của giai điệu đến từ cao độ, ở phương Tây, người ta dùng hệ thống thất âm 7 nốt nhạc là Do , Re , Mi , Fa, Sol , La, Si. Trong khi đó, ở phương Đông xa xưa, tiền nhân dùng hệ thống ngũ âm là Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ ứng với ngũ hành Thổ, Kim, Mộc, Hỏa, Thủy (sau này Văn Vương bổ sung thêm 2 dấu phụ là Biến Cung và Biến Chủy, cũng có tổng là 7).

Hệ thống Thất âm hay ngũ âm là ngôn ngữ của tự nhiên, con người khám phá thấy, không sáng tạo ra. Trong hệ thống Ngũ m của người phương Đông, mỗi âm đều mang trong mình một Hành đại biểu tính chất mà âm thanh ấy thể hiện.

– Cung là vua (quân 君) ở Trung cung, hành Thổ, điều xướng tứ phương, làm chủ chốt cho bốn thanh âm kia, chủ về tinh thần, sự ổn định, cao thượng, chủ về cảm nhận sự quyền uy.

– Thương là thần tử (thần 臣), hành Kim, có nhiệm vụ làm cho mọi sự trở nên hiển dương, kết quả, chủ về cảm nhận sự khuôn phép.

– Giốc là vạn dân (dân 民), hành Mộc, như muốn tung ra khỏi vỏ vật chất để nhô lên hướng tinh thần, chủ về cảm nhận sự sinh trưởng.

– Chủy là vạn sự (sự 事), hành Hỏa, thịnh đạt, phong doanh, phúc khánh, chủ về cảm nhận sự lan tỏa.

– Vũ là vạn vật (vật 物), hành Thủy, qui tàng về lòng vũ trụ, lúc chung cuộc, chủ về cảm nhận sự kết thúc.

Ngũ âm tấu lên, khơi gợi bên trong con người những cảm xúc nhất định, lại cộng hưởng với xu hướng tinh thần mệnh số bẩm sinh, từ đó mà chi phối tình chí, dẫn dắt hành động một người. Người xưa phân lễ nhạc luôn song hành, trăm sự cần tới tế lễ thì đều dùng nhạc tương ứng mà phối theo. Nhạc ảnh hưởng trực tiếp tới tinh thần con người. Do đó, con người cần biết bản thân bẩm tính ra sao mà tìm đến âm nhạc tương ứng mà sửa trị số mệnh, tìm tới sự cân bằng lâu dài. Nếu hướng theo chiều kích thái quá thì sẽ hại thân, hại mệnh. Ví dụ như người mà tinh thần đa sầu đa cảm, lại thường nghe nhạc mang âm Vũ (thuộc Thủy), sẽ cộng hưởng với cảm nhận sự mất mát, u uất, từ đó thành ra nhân sinh quan tiêu cực, hành động thiếu sức sống, sẽ hại đến mệnh. Cũng cần biết rằng, ở góc độ ngược lại, một người bẩm tính giàu cảm nhận, thích những giá trị xưa cũ cũng thường có xu hướng thích nghe những loại nhạc mang âm hưởng trầm buồn. Vì vậy, cần hết sức chú ý quan tâm về việc ta nghe điều gì, để giữ cho tâm trí được cân bằng, tránh việc rơi vào trạng thái thiên lệch, tạo thành những hệ quả không tốt.

m nhạc vừa mang tính nghệ thuật, nhưng cũng hàm chứa trong đó vô vàn tác dụng to lớn, cốt yếu ở việc ta có thể thấu hiểu bản thân cũng như bản chất của âm thanh ta lựa chọn để nghe. Việc chủ động làm chủ những gì bản thân tiếp nhận, hấp thu, chính là mấu chốt của việc cải mệnh. Trong đó, âm thanh là lĩnh vực vô cùng trọng yếu mà con người cần quan tâm nhiều hơn.

———————-

Một số nội dung được tham khảo tại: nhantu.net

Vận số, thời thế

Vận số. Thời thế.

Liệu rằng tình hình thời kỳ kinh tế gặp khó khăn, người nhập vận tốt có đạt được sự thịnh vượng?

Khoảng ba năm trở lại đây, nền kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch, ngay sau đó là cú sốc kép được bồi thêm bởi khủng hoảng chính trị diễn ra ở các nước trên thế giới. Làn sóng này gây ảnh hưởng xấu tới đời sống tất cả mọi người trên thế giới, biểu hiện dễ thấy nhất là tỉ lệ thất nghiệp gia tăng nhanh chóng ở các nước, cũng như chi phí sinh hoạt tăng cao. Sự ảnh hưởng này gần như lan rộng khắp mọi ngõ ngách trên thế giới, và tác động tới tất cả mọi người.

Dưới góc nhìn mệnh số, một câu hỏi được đặt ra: Liệu rằng những người nhập vận tốt có thăng tiến tới sự thịnh vượng trong thời kỳ này?

Trước hết, ta cần phân tích: Thế nào là vận tốt?

Sự chuyển động xoay vần, gọi là vận. Người ta dùng sự xoay vần của Nhật Nguyệt mà đo thời gian, vì thế nên để đánh dấu mốc sự chuyển biến của cuộc đời con người theo thời gian, cổ nhân cũng dùng chữ vận (運). Lấy bản thân con người làm gốc, những giai đoạn chuyển biến thuận lợi, con người được đắc ý, công thành, người ta gọi là vận tốt. Trái lại, những giai đoạn chuyển biến không thuật lợi, con người trở lên bất đắc chí, được gọi là vận xấu.

Có thể thấy, vận tức là sự vận hành của mệnh. Do đó, nó mang tính chất chủ quan và khác biệt với mỗi cá nhân. Tính chất để phân biệt vận tốt hay xấu cũng phụ thuộc vào Mệnh của mỗi cá nhân, không phải hoàn toàn dựa vào thời thế.

Khái niệm vận (vốn chỉ sự biến chuyển chủ quan), dễ bị nhầm lẫn với khái niệm “thời” (vốn chỉ sự khách quan). Thời vận biến chuyển, tác động qua lại. Có hòa hợp, cũng có xung đột.

Do đó, việc thời kỳ nhiều biến số như hiện nay, khi sự ảnh hưởng tác động lên một cá nhân cụ thể, ta hiểu vận của họ đang bị ngoại lực (tức thời cuộc) chi phối, nhưng để nói rơi vào thời kỳ khó khăn cho kinh tế là vận xấu của một người, thì không có cơ sở.

Một người gặp thời kỳ khó khăn chung, trong vận tốt, chỉ thể hiện người ấy vẫn có thể dễ gặp trợ lực để được thỏa lòng toại chí. Còn về chí? “Có người chí tại bốn phương, có người chí tại nơi thôn dã”…

Con người đa dạng muôn vẻ, nhưng xét theo tâm lý số đông, họ hay đặt chí ở việc tìm kiếm tiền tài địa vị một cách hời hợt, định kiến cuốn theo dòng nước mà phai nhạt cái chí thiên bẩm của mình. Rồi ỷ lại gắn liền thói quen suy nghĩ với những phương pháp chung thông dụng, nên khi phương pháp ấy không còn hiệu dụng, đã cảm thấy nản lòng rồi. Vì thế nên gặp thời khó khăn thì lại có thể đắc chí được sao? Đó là cái chí đi vay mượn, cái chí chung của thời cuộc, vô thức chạy theo cái chí ấy mà gặp thời ấy, thì bất đắc chí là kế cục khó thoát! Nên cuối cùng gặp vận tốt chỉ là sự gia giảm đi nỗi muộn phiền, hoặc không tới mức khổ đau!

Một vấn đề nữa, là người đời hay dùng định kiến để đánh giá thời cuộc, mà không thức thời. Quên mất rằng, trong thời bình, cầu mong có nơi ngủ ấm yên, no cơm ấm cật chỉ là ước mơ của người nghèo khó. Còn trong thời kỳ khó khăn, đó là ước mơ của đại đa số mọi người vậy. Do đó quan niệm về thịnh vượng, cũng cần phải xét phù hợp với thời thế. Với một chủ thể nhân mệnh, hai yếu tố thời và vận luôn có sự hô ứng tác động qua lại lẫn nhau. Dù vậy, vận hay thời muốn đánh giá là tốt hay xấu, mức độ phát triển ra sao, cũng còn cần phải xem cái chí của người đó là gì…

Tâm dục hòa

Tâm dục hòa

Người ta sống trong trời đất, có những ham muốn đòi hỏi về sinh lý nội tại. Loại đòi hỏi này, vừa có mặt vật chất như nhu cầu về ăn uống, về quan hệ nam nữ, về tiền bạc của cải giàu sang phú quý v.v… Cũng vừa có mặt tinh thần như lời ca tiếng hát, sặc đẹp vui chơi cũng như các mặt tư tưởng tình cảm.

Đây là thiên tính tự nhiên vốn có của cuộc sống con người (nhân sinh). Song, những ham muốn đòi hỏi của lòng người phải nằm trong phạm vi quy phạm nhân nghĩa lễ lạc thì mới là hợp lý, bình thường. Nếu những ham muốn đòi hỏi nội tâm quá chạy theo sở thích cảm quan thì sẽ làm lay chuyển tâm chí của con người, làm mê loạn tinh thần của con người, xa rời và đi ngược lại chính đạo.

“Những người mà thanh sắc ngũ vị, của ngon vật lạ, châu báu quý hiếm của nước ngoài đủ làm thay tâm đổi chí, làm lung lạc tinh thần, cảm động khí huyết, thì không thể thắng kế được vậy.”

“Ngũ sắc loạn mục, làm mờ mắt đi; ngũ thanh hoa nhĩ huyên náo, ồn ào làm tai không nghe được, ngũ vị loạn khẩu, khiến miệng mồm sai lạc; vất bỏ chí hướng, tâm địa lừa học, hành động ngông nghênh.”

Như vậy, tai mắt, mồm bụng đều bị sự cám dỗ của ngũ sắc, ngũ thanh, ngũ vị thì tâm sẽ nơi lỏng, tất nhiên sẽ làm nhiễu loạn tư tưởng và hành vi con người. Cần phải hạn chế sự ham muốn của tai mắt, mồm bụng, làm cho nó hạn chế trong phạm vi nghĩa lý cho phép. Song, ham muốn của tai mắt, mồm bụng không thể dựa vào sự hạn chế của bạn thân tai mắt, mồm bụng, vì rằng tai mắt mồm bụng không thể tư duy, chỉ biết ham thích thanh sắc, mỹ vị mà không biết phân biệt lợi hại của nó. Ràng buộc ham muốn chỉ có thể dựa vào tâm. “Cứ để mặc thì tai mắt, mũi miệng không biết lấy bỏ thế nào, nên tâm phải khống chế chúng.” Tâm có thể suy tư, biết đạo trời lý vật và luận lý đạo đức, dựa vào chỗ thích hợp của người và vật để có chỗ đứng đúng, cho nên có thể không chê sự lựa chọn thu nhận, gọt bỏ của tai mắt, mồm, mũi, đảm bảo cho nó đạt mức độ vừa phải, đấy chính là lễ nghĩa.

“Có những cái mắt tuy ham muốn đấy, nhưng phải ngăn chặn để cho nó hạn chế ở mức vừa độ, lòng (tâm) tuy vui đó, nhưng phải điều tiết để cho đúng lễ.” Lễ nghĩa là phép tắc, chế độ ràng buộc, hạn chế những ham muốn của tai mắt, mồm mũi. Thực chất của lễ nghĩa là nhằm tiết chế ham muốn của con người, giúp cho con người đạt tới trạng thái “tâm hòa dục đắc.”

“Phàm tính con người, nếu tâm hoà dục đắc thì sẽ vui.” Tâm hoà, dục đắc, đó là yêu cầu của tính người. Tâm hoà, là thể hiện tính chất của đạo. Đạo là bản thể của vạn vật, thì bản chất của nó chính là hư tĩnh vô vi, điều hoà âm dương, sinh trưởng vạn vật. Nhân tâm do đạo sản sinh cũng đòi hỏi thanh tịnh hoà bình để ứng với vạn sự biến hoá. “Lời nói mừng vui mà lại tuân theo lý, việc làm tốt đẹp mà lại thuận tình, tấm lòng vui vẻ mà không giả dối, công việc có thế nào để nguyên như thế không tô điểm thêm, đã cho đúng thì không cần bấm giờ, xem ngày, không bốc quẻ, không mưu cầu để được ở đầu, phải ở cuối thì cũng không kêu ca, làm xong ổn rồi thì thôi, cần đến thì lại làm, thể thông suât với trời đất, tinh hoà đồng với âm dương, bốn mùa như một, nhật nguyệt sáng soi, sống mãi cùng với tạo hoá xoay vần”