Huyền Học Ứng Dụng

Một góc nhìn về thiện ác

Thiện ác của con người

Trong xã hội của chúng ta, thiện ác là hai phạm trù đối lập nhau, được sử dụng như cán cân để đánh giá mức độ có lợi/có hại cho sự sống của con người.

Cái thiện đại diện cho tính tốt đẹp, làm lợi cho sự sống của con người. Cái thiện có đặc tính hướng con người tới những hành vi tương trợ lẫn nhau, làm tốt cho nhau, vì chỉ có làm việc tốt cho cả bản thân và người khác thì mới có thể đảm bảo sự toàn vẹn của tính thiện.

Ngược lại, cái ác là trạng thái đối lập với cái thiện. Đặc tính của nó làm hại tới sự sống của con người, cái ác tàn phá sự tốt đẹp của hiện tại và hủy hoại sự phát triển trong tương lai của con người. Cái ác hướng con người tới những hành vi gây hấn và xung đột, từ đó làm lu mờ tính thiện và khiến con người gây tổn thương lẫn nhau. Vì vậy, có thể thấy rằng tác hại đầu tiên của tính ác là làm lu mờ đi tính thiện.

Trong cuộc sống đời thường muôn màu muôn vẻ, mỗi hành vi của chúng ta đều bao hàm cả tính thiện và tính ác. Như hoạt động hằng ngày chẳng hạn, việc chúng ta sử dụng phương tiện xe cộ để làm lợi cho di chuyển, từ đó nâng cao năng suất và giúp cuộc sống phát triện, đó là tính thiện; song song với đó, khí thải gây ô nhiễm môi trường, tại nạn xe cộ gây thương tổn cho con người là những nguy cơ mới mà cách đây vài trăm năm con người có lẽ không phải lo lắng. Cuộc sống con người càng phát triển, tính lợi cho sự sống càng lớn thì tính ác cũng càng lớn. Thiện ác ở quanh ta, nó vượt qua những khuôn khổ về phạm vi luân lý, đạo đức, nó có mặt trong mỗi hành vi lớn nhỏ của con người. Con người trong guồng quay của những ham muốn và bổn phận, dần dà mất đi khả năng minh định thiện ác, mà chỉ còn có khả năng cảm nhận biểu hiện của chúng, mà cảm nhận thì khó mà không mang màu sắc cá nhân được.

Cách con người nhận diện về thiện ác

Về bản chất, con người nhận diện cái thiện thông qua những cảm nhận về sự an toàn, hợp tác, giúp đỡ, tích cực, phát triển, minh bạch,… Mặt khác, con người nhận diện cái ác thông qua những cảm nhận về sự nguy hiểm, tư lợi, tiêu cực, giận dữ, phân tách, tổn thương, u tối,… Vì thiện ác được nhận thức thông qua cảm nhận có tính chủ quan, do đó chúng ta cần thống nhất rằng, cùng đối mặt với một sự kiện, thì mức độ cảm nhận về tính thiện ác của mỗi người là khác nhau. Sự khác biệt ấy phụ thuộc vào bẩm tính mỗi người. Người giàu lòng vị tha thì nhạy cảm hơn với tính thiện, trong khi người nhiều tính vị kỷ lại coi nhẹ hơn hành vi mang tính ác.

Ngoài ra, nhận thức về thiện ác còn chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa xã hội, tôn giáo, đức tin,… Như người xưa đòn roi con cái để dạy dỗ vào nề nếp, đó là muốn tốt cho con cái, chủ về tính thiện; nhưng ở thời nay, việc đòn roi con cái được khép vào tội bạo hành, cho rằng thuộc về tính ác. Vì vậy nên cảm nhận về thiện ác còn tùy vào nhận thức khác nhau về sự việc trong từng thời kỳ, từng hoàn cảnh.

Từ đó, có thể thấy rằng cách con người nhận thức về thiện ác vốn không cố định. Chúng ta cảm thấy chúng qua những biểu hiện, nhưng cách chúng ta cảm nhận cũng thiếu đi tính thống nhất và dễ bị ảnh hưởng thông qua môi trường sống. Đây là kẽ hở khiến cho thiện ác trong cuộc đời trở lên lẫn lộn, khó mà phân biệt được.

Thời đại mới, phần đông con người có thể dễ dàng đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của việc duy trì sự sống. Chất lượng cuộc sống gia tăng nhờ khoa học kỹ thuật, dẫn tới loài người gia tăng tuổi thọ trung bình nhanh chóng, tỉ lệ sinh tăng cao. Việc này dễ dẫn tới nhận thức chung rằng, thế giới của chúng ta ngày càng tươi đẹp hơn.

Theo đó, trong đời sống hằng ngày, ta ít khi phải đối mặt với những biểu hiện đặc thù của cái ác như thời xưa. Nhưng, ta cũng ít thấy được những biểu hiện đặc thù của cái thiện như thời xưa. Ở thời nay, cái ác len lỏi vào cuộc sống của chúng ta thông qua những hình tượng đẹp đẽ, thân thiện, dần dần tác động tinh vi hủy hoại cuộc sống, sức khỏe, gia đạo mà ta chẳng hề hay biết. Bệnh tật thời nay ít đi tính chất đột ngột cướp đi sinh mệnh con người, mà nó trở lên chầm chậm xâm nhập vào cơ thể chúng ta. Sức sống của chúng ta thời nay thiếu tính khí thế, mãnh liệt, lý tưởng, bất khuất như thời xưa, biểu hiện ở ngay tại Việt Nam, mỗi năm có 40.000 người tự tử do trầm cảm, thống kê sơ bộ có tới 30% dân số mắc vấn đề về tâm lý, 25% mắc trầm cảm. Tỉ lệ ly hôn chiếm tới 31 – 40%, một con số đáng suy ngẫm! Thời nay, tính thiện ngủ quên trên thành tựu tạm thời ở mặt trận hữu hình, tập trung quá nhiều cho việc thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của sự sống. Trong khi đó tính ác đã vượt trên những biểu hiện mâu thuẫn xung đột trực diện dễ nhân biết. Nó trở nên tinh vi, len lỏi trong mỗi thứ mà ta tưởng chừng như tốt đẹp, hủy hoại con người từ bên trong, cướp đi lý tưởng sống và đẩy con người vào sự u uất trầm mê, sống những cuộc sống trống rỗng, giam cầm sự chú ý của ta trong những đòi hỏi ngắn hạn, thu mình lại trong lối sống vị kỷ, lợi ích hóa các mối quan hệ,… Đó là tính ác thời nay, tính ác xâm chiếm thế giới tinh thần.

Thiện ác tự nhiên.

Trong thế giới của con người, tính thiện – ác được phân biệt bằng nhận thức về mức độ ảnh hưởng lợi/hại tới sự sống của của chúng ta. Hệ thống nhận thức này có tính phổ quát, cảm tính, phù hợp cho các cộng đồng người có cấu trúc xã hội không quá phức tạp. Trong các mô hình xã hội đơn giản, đồng nhất văn hóa, các hành vi dễ dàng được cộng đồng thống nhất gắn mác tốt – xấu, thiện – ác. Khi cấu trúc xã hội ngày càng phát triển và trở lên phức tạp như hiện nay, hệ thống nhận thức về thiện – ác trở nên rối bời, chỉ còn có thể phân biệt những hành vi nổi trội như cướp bóc, lừa đảo, bắt cóc,… là ác.

Thiện – Ác trong thế giới con người có tính chủ quan, thiếu sự đồng bộ. Do đó, nó cần được hệ thống hóa và thống nhất, ít ra ở phạm vi một cộng đồng. Việc này giúp đem lại sự nhận diện chung về cái ác, từ đó có cơ chế kiềm tỏa sự ảnh hưởng của nó. Vì lý do này, các bộ luật, pháp chế, hương ước ra đời. Tất nhiên, những hệ thống này cũng có tính chủ quan của riêng nó và chỉ phù hợp với số đông trong một cộng đồng mà nó quản lý mà thôi. Nói chung, với nhận thức của con người, thiện ác có tính linh hoạt với mỗi cá nhân và không mang đầy đủ tính chất của chân lý.

Người xưa nhận ra điều này, với hy vọng muốn nắm bắt được tính thiện, ác biến hóa muôn hình muôn vẻ trong xã hội, chỉ còn cách gắn nó với quy luật của tự nhiên. Qua thời gian dài quan sát thế giới tự nhiên, họ nhận ra quy luật. Khi lấy sự sống làm bản thể để phân tích, người xưa thấy rằng mọi sự vật, hiện tượng tác động đến bản thể đó đều có thể đặt vào một trong 2 phạm trù đối lập nhau: Sinh – khắc. Sinh mang tính bổ trợ, làm lợi cho sự sống, trong khi đó khắc mang tính kiềm tỏa, gây hại cho sự sống.

Hai phạm trù sinh khắc đặt trong tương quan giữa bản thể sự sống và các yếu tố bên ngoài bản thể, hình thành nên thuyết ngũ hành. Thuyết ngũ hành bao trọn sự biến hóa của toàn bộ tự nhiên, con người cũng nằm trong số đó. Khi thu hẹp phạm vi của sự sống trong tự nhiên vào trong phạm vi sự sống của con người, người xưa có thể gán tính chất “sinh” cho sự sống là thiện, “khắc” sự sống là ác. Vì vậy, bằng thuyết ngũ hành, cổ nhân đã có thể nắm bắt được sự biến hóa của thiện ác. Thông qua sự biến động của tự nhiên mà biết được sự thay đổi tính thiện/ác đối với sự sống của con người vậy.

Có thể thấy rằng, thiện ác vốn là một cặp âm dương trong tự nhiên, vì vậy nên chỉ có thể đánh giá một hành vi là thiện hay ác khi đem so sánh với tác động của hành vi đó tới chủ thể thụ nhận. Sự biến đối về sự sống của chủ thể sẽ quyết định tính chất thiện, ác của hành vi. Việc chúng ta có xu hướng bàn luận khô khan về thiện ác, tách biệt những hành vi khỏi ảnh hưởng của nó tới chủ thể thụ nhận cụ thể là điều sai lầm. Trong tự nhiên vốn có thiện ác. Cái thiện của tự nhiên là mùa xuân ấm áp, giúp vạn vật sinh sôi nảy nở, cái ác của tự nhiên là mùa thu khô buốt khiến vạn vật thâu tàng, giết vật cần giết, duy trì sự cân bằng thường hằng. Nhìn lại trong xã hội con người cũng nên vậy. Cái ác như việc trừng phạt cầm tù người khác cần được dùng trong hình luật, giúp cân bằng sự ổn định lâu dài của sự tồn tại con người. Điều quan trọng của việc đánh giá thiện, ác là bản chất hành vi được dùng đúng chỗ. Việc của con người là sử dụng trí tuệ đặt việc ác vào chỗ cần ác, duy trì sự thiện ở chỗ cần thiện, tạo sự cần bằng động vĩnh cửu. Không phải thế giới cần hướng tới toàn thiện mà bài trừ toàn bộ cái ác. Đó là cô âm thì bất sinh, cô dương thì bất trưởng vậy.